Tại Diễn đàn Người lao động năm 2023, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Văn phòng Quốc hội phối hợp tổ chức, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ GD&ĐT đang phối hợp Bộ Lao động, Thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) xem xét đưa giáo viên mầm non vào nhóm ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Đề xuất này đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo giáo viên mầm non trên cả nước nói chung và giáo viên mầm non tỉnh nhà nói riêng.
Bà Thiều Thị Duyên, Phó trưởng phòng GD&ĐT TP Thanh Hóa: Thực sự cần thiết khi đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc
Nếu đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, theo tôi điều này thực sự cần thiết vì đã đánh giá đúng những khó khăn, vất vả mà giáo viên mầm non đang phải đối mặt. Nghề giáo viên mầm non kiêm đủ thứ nghề, vừa là giáo viên, vừa là bảo mẫu, bác sĩ, ca sĩ, họa sĩ...
Thực tế, thời gian làm việc của cô giáo mầm non dài hơn so với giáo viên ở bậc học khác khi phải đón trẻ sớm và về muộn hơn so với quy định vì còn phụ thuộc vào thời gian đón con của phụ huynh.
Khó khăn, vất vả, nặng nhọc như vậy nhưng giáo viên mầm non hiện nay thiệt thòi hơn giáo viên ở các cấp học khác khi mức lương thấp. Hơn nữa, nếu theo quy định, giáo viên mầm non sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60, thậm chí 62 (với giáo viên nam). Điều này có nghĩa, thầy cô dù tuổi cao thì vẫn phải dạy múa, dạy hát, chăm sóc cho hàng chục trẻ, như vậy sẽ rất khó khăn, khó đáp ứng được chất lượng giáo dục đề ra. Việc đưa giáo viên mầm non là ngành nghề nặng nhọc, điều này giúp các thầy, cô có thể nghỉ hưu sớm. Đây cũng là một cách bảo đảm, duy trì chất lượng giáo dục xuyên suốt.
Cô giáo Nguyễn Thị Hường, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoằng Yến (Hoằng Hóa): Đưa giáo viên mầm non vào danh sách ngành nghề nặng nhọc là hợp lý
Giáo viên mầm non là người thầy, người cô đầu tiên và quan trọng của trẻ, ảnh hưởng rất lớn đối với suy nghĩ của trẻ về vấn đề giáo dục, học hành của trẻ.
Nghề “làm dâu trăm họ” nên áp lực nhiều, trách nhiệm lớn. Giáo viên mầm non hiện nay đối mặt áp lực rất lớn từ phụ huynh. Phải nhìn nhận từ thực tế, trẻ nhỏ thường hiếu động, các con có thể xây xước nhẹ do vấp ngã hay trong lúc trêu đùa nhau..., giáo viên cũng là người chịu trách nhiệm đầu tiên trước phụ huynh. Phụ huynh nào không thông cảm thì dùng cả bạo lực ngôn ngữ với giáo viên... Vì vậy, giáo viên lên lớp phải tập trung cao độ vào từng hoạt động của trẻ. Với thời gian làm việc quá nhiều, hơn 10 giờ/ngày, cường độ làm việc cao, giữ an toàn cho trẻ căng thẳng, kéo dài, làm ảnh hưởng đến sức khỏe của giáo viên mầm non. Để làm tốt vai trò của mình, với giáo viên mầm non, thật không dễ dàng gì.
Việc xem xét, đưa đối tượng giáo viên mầm non vào danh sách ngành nghề nặng nhọc là hợp lý.
Cô giáo Lê Thị Hường, giáo viên Trường Mầm non Thọ Thanh (Thường Xuân): Đó là điều chúng tôi rất mong muốn
Tôi về công tác tại Trường Mầm non Thọ Thanh đến nay đã 27 năm, lương mới chỉ hơn 8 triệu đồng/tháng.
Giáo viên mầm non có những đặc thù vất vả riêng so với các cấp học khác. Với ngành nghề khác làm 8 tiếng/1 ngày thì giáo viên mầm non làm đến 11 - 12 tiếng/ngày. Áp lực công việc cao nhưng lại có mức lương thấp. Các cô vừa phải chăm sóc và giáo dục - đây là một công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, trách nhiệm lớn. Bên cạnh đó, môi trường làm việc của giáo viên mầm non có nhiều tiếng ồn, là sự quấy khóc, hiếu động của trẻ, nhất là thời điểm trẻ mới đi học. Vì vậy, phần lớn giáo viên chúng tôi đều bị khàn tiếng, viêm thanh quản, viêm họng...
Chúng tôi mong muốn đưa giáo viên mầm non thuộc ngành nghề nặng nhọc, là tăng phụ cấp nghề, tuổi nghỉ hưu vẫn giữ mức 55 tuổi. Khi đã ở độ tuổi 60 thì chúng tôi không thể múa hát, tổ chức các trò chơi, làm việc không còn được năng động và linh hoạt hay không thể soạn giảng theo công nghệ thông tin của thời đại 4.0 và từ đó chất lượng giảng dạy sẽ không đạt hiệu quả cao. Xuất phát từ tình hình thực tế, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp rất mong muốn giáo viên mầm non thuộc ngành nghề nặng nhọc.
Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019, Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng các quyền lợi khác so với nghề thông thường về nghỉ hàng năm; thời gian hưởng chế độ ốm đau; được hưởng phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ngoài ra, nếu được coi là nghề nặng nhọc, nguy hiểm, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định.