1. Nguyên nhân dẫn đến trẻ bị viêm mũi xoang
Viêm mũi xoang là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em, bệnh hay tái phát nhiều lần hoặc chuyển thành mạn tính. Ước tính có khoảng 6,6% bệnh nhi đến khám tại bệnh viện mắc bệnh viêm mũi xoang, tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 6 tuổi.
Viêm mũi xoang là tình trạng viêm niêm mạc mũi và các xoang cạnh mũi, gây ra do nhiều nguyên nhân khác nhau như nhiễm khuẩn, siêu vi, dị ứng... bệnh thường hay gặp ở trẻ em dưới 6 tuổi. Tùy theo thời gian diễn biến của bệnh, viêm mũi xoang được chia làm 3 thể: Viêm mũi xoang cấp tính kéo dài dưới 4 tuần, viêm mũi xoang bán cấp kéo dài từ 4 - 8 tuần và viêm mũi xoang mạn tính kéo dài ít nhất từ 8 - 12 tuần, bất chấp việc điều trị.
Nguyên nhân chính gây viêm mũi xoang ở trẻ em là do virus, vi khuẩn hoặc nấm xâm nhập vào vùng mũi và hầu họng của trẻ, sau đó lên phía xoang gây viêm. Đặc biệt, viêm mũi xoang sẽ dễ xảy ra ở trẻ có cơ địa yếu, cơ địa dị ứng, đang bị viêm VA… hoặc sống trong môi trường độc hại, nhiều khói bụi, người lớn hút thuốc lá khiến trẻ em bị ngửi khói thuốc lá thụ động.
2. Những biểu hiện thường gặp khi trẻ bị viêm mũi xoang
Dựa theo thời gian mắc bệnh, viêm mũi xoang được chia thành viêm xoang cấp hay mạn tính.
Ở trẻ em, viêm mũi xoang cấp thường xuất hiện sau một đợt viêm đường hô hấp trên cấp tính. Sau 5 - 7 ngày các triệu chứng của viêm nhiễm đường hô hấp có khuynh hướng nặng hơn, với biểu hiện như sốt cao, hơi thở hôi, ho nhiều (nhất là vào ban đêm), chảy mũi nhiều, nước mũi xanh hoặc vàng đặc như mủ, nhức đầu, đau sau ổ mắt, cảm giác nặng vùng mặt, đau răng, đau họng…
Trong trường hợp viêm xoang mạn tính, triệu chứng kéo dài trên 3 tháng, nhưng mức độ ít rầm rộ hơn. Trẻ có thể sốt hâm hấp từng đợt, đau họng tái phát, khàn tiếng, ho kéo dài, ngạt mũi, sổ mũi, giảm hoặc mất khả năng ngửi mùi, ù tai, đau tai…
Viêm mũi xoang là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em. Ảnh minh hoạ.
3. Chẩn đoán phân biệt viêm mũi xoang ở trẻ
Tình trạng viêm mũi xoang cũng dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác, cụ thể như:
- Viêm mũi xoang và viêm đường hô hấp trên
Viêm đường hô hấp trên cấp tính thì trong một năm trẻ có thể mắc từ 6 - 8 lần, sau một đợt viêm mũi họng cấp kéo dài trên 1 tuần, viêm nhiễm đường hô hấp trên chỉ kéo dài trung bình 5 - 7 ngày là hết. Trong khi đó bệnh viêm mũi xoang ở trẻ nhỏ thì triệu chứng lâm sàng, diễn biến và biểu hiện bệnh kéo dài dai dẳng rất lâu sau đó và có thể trở thành viêm mũi xoang mạn tính.
- Viêm mũi xoang và viêm mũi dị ứng
Bệnh viêm mũi dị ứng rất dễ chẩn đoán, có thể căn cứ vào một số triệu chứng sau: Ngứa mũi, hắt hơi liên tục thành tràng dài, không thể kiểm soát được, với trẻ bị viêm mũi dị ứng thời tiết sẽ hắt hơi rất nhiều khi gặp lạnh, có thể vào buổi sáng hoặc khi thời tiết thay đổi. Chảy nước mũi cả hai bên, dịch màu trong suốt, không có mùi. Ngạt mũi từng bên, có khi ngạt cả hai bên, trẻ mắc bệnh phải thở bằng miệng.
Chụp X-quang không cho hình ảnh rõ rệt, khác với bệnh viêm xoang mạn tính sẽ có hình ảnh các hốc xoang chứa mủ. Trẻ bị viêm mũi dị ứng thường phát bệnh theo từng cơn, vào thời điểm chịu tác động của các tác nhân gây dị ứng. Ngoài cơn trẻ có thể cảm thấy hoàn toàn bình thường.
4. Những biến chứng nguy hiểm của viêm mũi xoang ở trẻ
Mặc dù không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của trẻ, nhưng nếu không được điều trị triệt để, viêm mũi xoang có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, giảm thị lực, giảm thính lực do viêm tai giữa tái đi tái lại.
Ở trẻ em, việc chẩn đoán viêm xoang chủ yếu dựa vào thăm khám trực tiếp. Đôi khi bác sĩ cần chụp X-quang, CTscan, MRI, nội soi để định bệnh chính xác và đánh giá mức độ viêm, phát hiện bất thường trong hốc mũi để quyết định điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật.
5. Điều trị viêm mũi xoang ở trẻ
Tùy từng trường hợp, tùy theo nguyên nhân, mức độ và thời gian mắc bệnh, các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể.
Đối với viêm xoang cấp thời gian điều trị khoảng 1 - 2 tuần; viêm xoang mạn tính có thể kéo dài 4 - 6 tuần. Ngoài ra, còn phải giải quyết các yếu tố góp phần làm bệnh thường xuyên tái phát như trào ngược dạ dày thực quản, dị ứng, hay bất thường cấu trúc giải phẫu vùng mũi…
Ở trẻ em, viêm mũi xoang được điều trị chủ yếu bằng cách dùng thuốc đặc trị như kháng sinh, kháng viêm, kháng dị ứng và vệ sinh mũi thường xuyên giúp cho việc dẫn lưu chất nhày trở nên dễ dàng hơn. Phẫu thuật chỉ đặt ra khi bệnh không cải thiện, thường xuyên tái phát dù đã điều trị đúng và đủ thời gian.
6. Lời khuyên thầy thuốc
Để phòng bệnh viêm mũi xoang ở trẻ, khi trẻ có biểu hiện bị ốm, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám bệnh và tuân thủ theo điều trị. Không tự ý cho trẻ dùng thuốc hay ngưng thuốc khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ.
Cần giữ nhà cửa luôn thông thoáng, sạch sẽ, tránh nuôi súc vật trong nhà.
Tránh tiếp xúc với những người bị cảm hoặc đang nhiễm khuẩn đường hô hấp trên do siêu vi. Nếu phải tiếp xúc với những người này thì phải rửa tay thường xuyên, đặc biệt là sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay lập tức.
Tránh xa khói thuốc lá trong nhà hoặc ở những nơi vui chơi công cộng, vì khói thuốc kích thích làm cho niêm mạc mũi xoang bị viêm nặng hơn.
Nếu đã có cơ địa dị ứng thì tránh những tác nhân gây bộc phát dị ứng, nên nói cho bác sĩ biết trẻ có đang điều trị bằng phương pháp giảm mẫn cảm đặc hiệu hay không.
Tránh hít thở không khí khô khan. Nên dùng máy tạo ẩm trong nhà hoặc nơi trẻ học tập để làm ẩm không khí.
BS Lê Công Định
Nguồn https://suckhoedoisong.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-viem-mui-xoang-o-tre-khi-giao-mua-169231009101016185.htm