Chăm sóc một thành viên trong gia đình và lắng nghe bạn bè là những cách giúp trẻ rèn luyện sự đồng cảm. (Ảnh: ITN).
Khi trẻ chăm sóc các sinh vật sống, động vật hoặc thực vật, chúng đang phát triển kỹ năng đồng cảm.
Đồng cảm là một kỹ năng quan trọng đối với nhiều nghề nghiệp. Y tá, nhân viên môi trường, giáo viên và những nghề khác đều cần phải có kỹ năng đồng cảm mạnh mẽ khi họ chăm sóc con người hoặc các sinh vật sống.
Chăm sóc một thành viên trong gia đình và lắng nghe bạn bè là những cách giúp trẻ rèn luyện sự đồng cảm. Ngoài ra, những hoạt động này còn giúp trẻ khám phá sở thích của mình hoặc tìm ra những cách mới để giúp đỡ người khác trong suốt cuộc đời.
Dưới đây là một số cách cha mẹ giúp con mình củng cố kỹ năng đồng cảm:
Dạy con chăm sóc trẻ sơ sinh
Bạn có bao giờ nhận thấy trẻ em bị mê hoặc bởi những em bé? Nếu bạn có em bé ở nhà, hãy tìm những công việc nhỏ mà anh chị lớn có thể giúp đỡ.
Khi em bé cần thay tã, bạn hướng dẫn con lấy tã và khăn lau, đồng thời nói về những gì con cần làm để hỗ trợ em bé, sau đó khen ngợi con là người anh/người chị tốt.
Dạy con chăm sóc động vật
Chăm sóc thú cưng có thể tăng cường sự đồng cảm và mang lại một "công việc" nhất quán cho trẻ em - một trách nhiệm hàng ngày có ý nghĩa.
Ngay cả trẻ mẫu giáo cũng có thể giúp đổ đầy bát nước cho chó hoặc cho cá một nhúm thức ăn. Ví dụ, nếu gia đình bạn nuôi một đàn rùa, bạn hãy nhắc con kiểm tra sự phát triển của vật nuôi và tự hỏi liệu chúng có cần nước hay thêm thức ăn hay không.
Nếu bạn không có thú cưng ở nhà, hãy chơi giả vờ bằng cách chăm sóc một con thú nhồi bông.
Nếu con muốn tìm hiểu thêm cách chăm sóc động vật, một số ứng dụng trên nền tảng di động là nguồn tài nguyên để con biết cách chăm sóc voi, báo, v.v.
Dạy con chăm sóc cây
Sự tò mò cho thấy con đang cố gắng hiểu cảm xúc và trải nghiệm của người khác. (Ảnh: ITN).
Bằng cách tưới nước và chăm sóc cây, trẻ có thể hiểu việc chăm sóc người khác cũng giống như chăm sóc một khu vườn.
"Gần đây, tôi và con gái đã chuẩn bị một mảnh đất nhỏ và rải một vài hạt giống hoa dại. Mỗi buổi sáng, con tôi tưới nước cho cây. Chúng tôi nói về việc hạt giống cần đất tốt, nước và ánh nắng như thế nào.
Giống như con người, cây bắt đầu hành trình cuộc đời với thể trạng nhỏ bé và mong manh, nhưng nếu được chăm sóc đúng cách, chúng sẽ nở hoa.
Việc quan tâm đến môi trường dạy cho chúng ta sự đồng cảm vì chúng ta học cách hỗ trợ những thứ cung cấp thức ăn và nước uống", Deborah Farmer Kris - nhà báo chuyên viết mảng Giáo dục tại Hoa Kỳ, cho biết.
Cách nhận biết liệu con có trở nên đồng cảm hơn không
Khi con bạn lớn lên, bạn sẽ thấy những dấu hiệu chứng tỏ con đang phát triển sự đồng cảm:
Con phản ứng với cảm xúc của người khác
Con tỏ ra quan tâm khi anh chị em, bạn bè buồn bã hoặc cố gắng an ủi mọi người quanh mình.
Con xem xét quan điểm của người khác
Trẻ em đồng cảm có khả năng tưởng tượng mọi thứ từ quan điểm của người khác. Ví dụ, chúng hiểu tại sao một bạn cùng lớp lại buồn sau khi thua một trò chơi hoặc tại sao anh chị em lại tức giận khi đồ chơi bị lấy mất.
Con xin lỗi khi biết mình sai
Khi một đứa trẻ đang xây dựng sự đồng cảm, chúng sẽ nhận thức rõ hơn về hành động của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Con xin lỗi vì đã làm tổn thương cảm xúc của ai đó hoặc phạm sai lầm.
Con hỏi về cảm xúc của người khác
Tò mò về cảm xúc của người khác là dấu hiệu con đang phát triển sự đồng cảm. Con thường hỏi những câu hỏi như "Tại sao anh ấy lại khóc?" hoặc "Có chuyện gì với chị ấy thế?".
Sự tò mò này cho thấy con đang cố gắng hiểu cảm xúc và trải nghiệm của người khác. Hãy tích cực trò chuyện với con về cảm xúc của con hoặc cảm xúc của người khác mà con nhận thấy, đây là một cách hỗ trợ con phát triển khả năng đồng cảm.
Sự đồng cảm phát triển theo thời gian và có thể khác nhau ở mỗi đứa trẻ. Với tư cách là cha mẹ và người chăm sóc, chúng ta có thể giúp con trở nên đồng cảm hơn bằng cách thể hiện sự kiên nhẫn, tình yêu thương và sự thấu hiểu.
Bằng cách hỗ trợ và khuyến khích sự phát triển cảm xúc của con, bạn sẽ giúp con xây dựng kỹ năng đồng cảm và phát triển các mối quan hệ lành mạnh trong suốt cuộc đời.
Theo Giáo dục và thời đại
Theo pbs.org