Ho là phản xạ quan trọng giúp làm sạch đường thở nhằm đẩy các dịch tiết hoặc dị vật ra ngoài. Tuy nhiên, theo TS.BS Đỗ Thị Hạnh, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, trẻ ho thường xuyên, kèm theo sốt cao, khò khè, thở nhanh, co kéo cơ hô hấp... là do nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Nhiễm khuẩn tại đường hô hấp do virus, vi khuẩn ở trẻ thường xảy ra lúc chuyển mùa. Các bệnh thường gặp là viêm VA, viêm amidan, viêm mũi họng, viêm xoang, viêm phế quản, viêm phế quản phổi... Bệnh có thể tái phát nhiều lần với biểu hiện ho khan, ho đờm, khò khè, sốt cao, chảy mũi...
Khi trẻ có biểu hiện nhiễm khuẩn đường hô hấp, nhiều bố mẹ tự ý mua kháng sinh cho con uống ngay để cắt cơn ho nhanh. Điều này tiềm ẩn nguy cơ kháng kháng sinh ở trẻ, theo bác sĩ Hạnh.
Không ít bố mẹ sử dụng lại đơn thuốc cũ từ những đợt mắc bệnh trước của trẻ. Bác sĩ Hạnh lưu ý ho có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý, căn nguyên gây bệnh và mức độ nặng từng đợt khác nhau. Liều lượng thuốc điều trị thay đổi theo cân nặng của trẻ nên đơn thuốc cũ không còn phù hợp.
Khi trẻ nhỏ có triệu chứng mắc bệnh đường hô hấp, bố mẹ nên theo dõi sát và đưa con đến khám sớm tại các cơ sở y tế. Tùy theo mức độ bệnh, bác sĩ có chỉ định điều trị tại nhà hay nhập viện. Nếu được chăm sóc tốt và đúng cách, hầu hết bệnh đường hô hấp tự khỏi.
Bác sĩ Hạnh khuyến cáo bố mẹ giữ ấm cho trẻ, nhất là ở vùng đầu, cổ, bụng, tai và gan bàn chân. Giữ ấm cũng giúp trẻ ngủ ngon, hạn chế ho về đêm hiệu quả.
Sử dụng các loại thảo dược lành tính như mật ong, chanh, lá húng, nước gừng, quất, lá hẹ... có tác dụng giảm ho, long đờm, tiêu viêm, kháng khuẩn. Nên cung cấp cho trẻ đủ nước, chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng và vitamin. Trẻ nằm ngửa khi ngủ, thẳng người và gối đầu cao 15-20 cm. Điều này giúp cho đường thở của trẻ lưu thông dễ dàng, hạn chế được dịch nhầy chảy xuống họng gây kích ứng, dẫn đến ho.
Ảnh minh hoạ
Ngoài bệnh lý hô hấp, bệnh hen phế quản, trào ngược dạ dày thực quản, các tác nhân gây dị ứng cũng khiến trẻ ho nhiều vào buổi tối.
Trẻ bị hen phế quản thường có biểu hiện khò khè, thở nhanh, nặng ngực, ho thay đổi theo thời gian. Triệu chứng của bệnh thường xảy ra sau khi trẻ gắng sức, sau phơi nhiễm tác nhân gây dị ứng, thay đổi thời tiết, nhiễm khuẩn đường hô hấp do virus RSV, cúm hoặc vi khuẩn.
Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra ở hầu hết trẻ nhỏ, biểu hiện dưới dạng trớ sau khi ăn. Tỷ lệ bị trào ngược dạ dày thực quản tăng trong thời gian trẻ từ 2 đến 6 tháng tuổi (có thể do tăng lượng thức ăn lỏng vào mỗi lần cho ăn) và sau đó bắt đầu giảm dần sau 7 tháng tuổi.
Bác sĩ Hạnh cho biết khoảng 85% số trẻ nhỏ hết trào ngược dạ dày thực quản khi 12 tháng tuổi và 95% số trẻ khi 18 tháng tuổi. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) gây ra các biến chứng như chậm tăng cân, nghẹt thở do hít vào đường thở hoặc axit trong dịch dạ dày dẫn đến viêm thực quản.
Thói quen hay ăn vào tối muộn, ăn nhiều thực phẩm cay nóng, đồ chiên xào có nhiều dầu mỡ, nước ngọt có ga... làm tăng nguy cơ trào ngược dịch axit, trẻ ho nhiều hơn. Bố mẹ không nên cho trẻ ăn uống gần giờ đi ngủ, tăng cường rau xanh, hoa quả.
Các tác nhân gây dị ứng cũng khiến trẻ ho. Mẹ lau sạch các bề mặt trong phòng ngủ của con bằng khăn ẩm, giặt thường xuyên ga giường, vỏ gối ở nhiệt độ 60 độ C; phơi đệm của trẻ vào những ngày nắng ấm có thể ngăn sự phát triển của mạt nhà. Sử dụng máy làm sạch không khí để lọc không khí, khử mùi, diệt khuẩn trong phòng ngủ của trẻ.
Vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý 0,9% trước khi cho trẻ ngủ, làm sạch mũi, tránh khô và ngạt mũi.
Trà My (Vnexpress.net)